Giáo dục trẻ em sớm: Chìa khóa để thành công trong cuộc sống!

Giáo dục trẻ em sớm: Chìa khóa để thành công trong cuộc sống

Nelson Mandela, một chính trị gia lão thành, đã từng nói, “Giáo dục là chìa khóa quan trọng trong sự phát triển của mỗi cá nhân. Nhờ có giáo dục mà con gái của một tá điền có thể trở thành bác sĩ, con trai của một thợ mỏ có thể trở thành người cai mỏ, và con của một người làm trang trại có thể trở thành tổng thống của một nước lớn.”

Tính xác thật của câu nói trên chỉ có thể được hiểu đầy đủ khi chúng ta hiểu được tầm quan trọng của giáo dục tiền tiểu học. Nhà giáo dục đồng thời cũng là giáo viên dạy violin nổi tiếng người Nhật, Shinichi Suzuki, có lần đã nói rất rõ ràng như thế này: “Số phận của trẻ em nằm trong bàn tay cha mẹ chúng”. Số phận của trẻ em được quyết định phần nhiều bởi cha mẹ chúng – trong vòng bảy năm đầu cuộc đời của trẻ.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu giáo dục tầm cao Ypsilanti, Michigan, đã cho thấy tầm quan trọng của việc giáo dục sớm. Từ năm 1962-1967, 123 trẻ Mĩ gốc Phi, tuổi từ 3-4, sinh ra trong nghèo khó, chính vì thế có nguy cơ thất học cao, đã được chia thành hai nhóm một cách ngẫu nhiên. Một nhóm được tham gia vào một chương trình mẫu giáo chất lượng cao, trong khi nhóm còn lại không được tham gia và bất kì chương trình nào. Chương trình nhóm thứ nhất tham gia vào được dựa trên phương pháp học tích cực của High/Scope. Trong giai đoạn gần đây nhất của nghiên cứu, 95% người tham gia được phỏng vấn khi đang ở tuổi 27. Ngoài ra, dữ liệu còn được thu thập từ trường học của các đối tượng, công tác xã hội và tỉ lệ bị bắt. Những kết quả thu được đáng chú ý nhất của nghiên cứu là:

* Số người được học mẫu giáo tốt nghiệp từ các trường thông thường và trường học dành cho người lớn, hay nhận được bằng phát triển giáo dục chung nhiều hơn 1/3 so sánh với số người không được học mẫu giáo (71% và 54%)
* Ở tuổi 27, số người đạt mức lương từ $2,000 trở lên/tháng trong những người được học mẫu giáo gấp bốn lần so với những người có thu nhập tương tự nhưng thuộc nhóm người không được học mẫu giáo (các con số lần lượt là 29% và 7%). Nhóm này cũng có tỉ lệ sở hữu nhà và ô tô cao hơn.
* Ở tuổi 27, trong nhóm những người được học mẫu giáo, số người bị bắt từ năm lần trở lên chỉ bằng 1/5 so với số đó của nhóm không được học mẫu giáo (7% và 35%) và trong nhóm thứ nhất rất ít người bị bắt do liên quan đến ma túy (7% và 25%)
* Tỉ lệ có con ngoài giá thú trong nhóm được giáo dục mẫu giáo cũng thấp hơn rất nhiều (57% và 83%)

Có một câu thành ngữ với ý nghĩa “học không bao giờ là muộn”. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần nào đó. Trên thực tế, ở một vài khía cạnh, việc học chỉ có thể đạt hiệu quả cao trong 7 năm đầu của cuộc đời. Chính vì thế, các bậc cha mẹ nếu muốn con mình con mình được giáo dục một cách đầy đủ trước tuổi đến trường, nên quan tâm tập trung vào những khía cạnh này. Dưới đây xin được trình bày một vài kĩ năng và khía cạnh quan trọng nhất:

1. Ngôn ngữ

Khả năng ngôn ngữ được cho là một phương tiện quan trọng giúp dự đoán trước khả năng đọc của trẻ. Chính vì vậy, việc cha mẹ nên làm tất cả mọi thứ có thể để đảm bảo cho con mình có tối đa các cơ hội tiếp thu ngôn ngữ là rất quan trọng, quan trọng hơn nữa là bởi vì, trước 7 tuổi trẻ em thường có khả năng học ngôn ngữ phi thường. Từ tám tuổi trở đi, khả năng học ngôn ngữ của trẻ chỉ như người lớn mà thôi. Vì vậy, thật lãng phí nếu các bậc cha mẹ không tận dụng cơ hội ngàn vàng, chỉ có một mà lại rất ngắn trong cả cuộc đời như vậy.

Cha mẹ nên nói với con mình càng thường xuyên, càng nhiều càng tốt. Trẻ được tiếp xúc với ngôn ngữ càng nhiều, sẽ càng hiểu nhanh hơn, và sẽ biết nói sớm hơn. Việc đặt ra một khoảng thời gian trong ngày để đọc hay kể chuyện là rất quan trọng. Tuy nhiên, nên đọc/kể nhiều lần một câu chuyện qua các ngày. Bạn nên đọc đi đọc lại một câu chuyện khoảng vài tháng trước khi chuyển sang một câu chuyện mới phức tạp hơn một chút. Câu chuyện mới này cũng phải được đọc đi đọc lại trong nhiều tháng.

Việc thu nhận ngôn ngữ đạt hiệu quả phụ thuộc vào sự nhắc lại nhiều lần các từ, cụm từ, và các câu giống nhau.

2. Sự tập trung

Tập trung vừa là hành động của ý chí, vừa là kĩ năng cần được tiếp thu. Vì lí do này, việc cha mẹ tạo cho con mình có đủ cơ hội luyện tập kĩ năng này là rất cần thiết, để sau này bé có thể ngồi trật tự và tập trung được ít nhất 20 phút khi đến trường. Khi bé được hai tuổi, cha mẹ có thể đọc truyện cho bé nghe. Tuy nhiên, việc bắt bé ngồi im và nghe truyện là rất quan trọng. Bé không được phép chạy loanh quanh hay chơi trong khi cha mẹ đang đọc truyện. Để làm điều này dễ dàng hơn, hãy bắt đầu với những câu chuyện ngắn khoảng năm phút, sau đó từ từ tăng dần lên. Bằng cách này, khả năng tập trung của bé sẽ dần dần được nâng cao

3. Thái độ làm việc

Ý tưởng về sự sẵn sàng cho trường học là khái niệm được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, có lẽ sẵn sàng cho công việc còn quan trọng hơn sẵn sàng cho trường học. Trong các thập kỉ vừa qua có khuynh hướng cố gắng làm cho việc học trở nên vui vẻ. Đó chắc chắn là lí do tại sao học hành ngày nay lại thất bại nhiều như vậy, bởi vì, trên thực tế, học không phải là niềm vui, nó là công việc. Nói theo cách tự nhiên, công việc-cũng giống như việc học-thông thường có thể rất thú vị, và thậm chí có thể rất đáng chú ý. Hơn nữa, trong công việc cũng như trong học tập, luôn có những khía cạnh không thú vị. Mặc dù vậy, chúng vẫn phải được thực hiện. Vì thế, điều quan trọng nhất là phải dạy cho trẻ hiểu được rằng công việc là thứ phải được làm, và phải làm bằng khả năng tốt nhất của mình. Nếu trẻ không được cha mẹ dạy dỗ thấu đáo về vấn đề này, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai.

4. Sự phối hợp

Ngày nay, có hai trong số các triệu chứng của trẻ gặp khó khăn trong học hành và đọc, đó là cơ bắp không rắn chắc, và không biết bò. Cả hai vấn đề này có thể được giải quyết theo cách rất dễ dàng và đơn giản.

Cơ bắp không rắn chắc chủ yếu là vì cơ yếu, và trẻ chỉ biết bò khi được cha mẹ dạy. Trẻ chỉ có thể làm những điều được dạy.

Sức khỏe cơ bắp nói chung của cơ thể được quyết định phần nhiều bởi độ khỏe mạnh của các cơ sau. Cơ yếu khi chúng không được tập luyện. Các bậc cha mẹ nên tạo cơ hội cho con mình được tập luyện cơ bắp từ khi bé còn nhỏ, đặc biệt là các cơ sau. Điều này có thể và nên được thực hiện khi bé được một hai tháng tuổi.

Bằng cách tuân thủ các bước rất đơn giản, cha mẹ có thể tạo điều kiện cho con sau này có cơ bắp khỏe mạnh và biết phối hợp tốt. Khi con được khoảng một tháng tuổi, nên đặt bé xuống sàn nhà ở vị trí mặt úp xuống càng nhiều càng tốt. Bé sẽ ngẩng mặt lên, điều này sẽ giúp phát triển các cơ sau. Khi được đặt ở vị trí như vậy cũng khuyến khích bé di chuyển về phía trước, giúp bé tự tập bò.

Sau đó, khi bé lớn hơn một chút, việc phối hợp mắt-tay có thể được phát triển bằng cách chơi các trò ném bắt bóng hoặc túi đậu. Việc điều khiển vận động, sẽ giúp bé viết đẹp sau này, có thể được thực hiện bằng cách cho bé vò nhàu giấy. Hãy bắt đầu bằng việc xé những trang giấy trong cuốn danh bạ điện thoại cũ, đưa cho bé mỗi lần một tờ, để bé vò lại thành một quả bóng chặt, chỉ bằng một tay.

5. Các bộ phận trên cơ thể

Hãy đeo một cặp kính với mắt kính màu xanh lam lên. Mọi thứ bạn nhìn vào sẽ có màu xanh lam.

Triết gia vĩ đại người Đức, Immanuel Kant (1724-1804) đã từng nói rằng chúng ta “nhìn sự vật không như bản thân chúng, mà là theo cách chúng ta nhìn”. Câu nói đầy châm ngôn này dựa trên thực tế rằng con người chúng ta thường tiếp cận và hiểu thế giới từ bản thân cơ thể chúng ta. Cũng giống như mọi thứ có màu xanh khi ta đeo kính xanh, nhận thức về thế giới của chúng ta sẽ được quyết định bởi kiến thức của chúng ta về cơ thể mình. Chính vì thế, nếu trẻ không có đủ kiến thức về cơ thể mình, sẽ rất dễ hiểu sai thế giới xung quanh.

Hãy cùng xem xét hiện tượng đảo chiều như là một ví dụ cho điều này. Cơ thể chúng ta có bên trái và bên phải. Vì thế, việc chúng ta tiếp cận mọi thứ bắt gặp theo hai bên là điều hiển nhiên. Trừ khi bé đã biết phân biệt hai bên, sẽ có nguy cơ rất cao là bé sẽ tiếp cận nhầm về các bên của các sự vật khác nhau – như hai chữ b và d chẳng hạn.

Thời gian tắm cho bé là cơ hội tốt để dạy bé về các bộ phận của cơ thể và về các phía, cạnh. Ngay khi bé biết tự ngồi khi tắm, hãy bắt đầu dạy bé ngay. Đừng đơn thuần nhấc chân bé lên kì cọ, thay vì thế, hãy để nguyên tay, và nói, “Giơ chân phải của con ra nào”, và đợi con đặt chân phải của bé lên tay bạn. Nếu bé giơ chân trái, hãy nói, “Không, chân phải cơ mà,” sau đó chỉ kì cọ bàn chân này thôi. Tiếp theo, chuyển sang bộ phận khác, bên trái hay phải, và kì cọ chúng. Tương tự như vậy, tắm cho bé các bộ phận khác, và theo hai bên trái-phải ở những chỗ có thể.

Nếu cha mẹ t iếp tục làm như thế trong hai, ba năm, chắc chắn bé sẽ nhận ra bên trái, phải, và hiểu thêm về hình dáng cơ thể. Nhờ vậy, bé sẽ không gặp khó khăn trong việc phân biệt b và d.

6. Đếm

Đếm có thể được coi là ngôn ngữ của toán học. Chính vì thế, việc dạy trẻ đếm ngay từ khi còn nhỏ cũng rất quan trọng. Cách dễ nhất để dạy trẻ đếm là bắt đầu với ngón tay của bé, lúc đầu là ngón tay trên một bàn tay, sau đó là cả hai bàn. Hãy nhớ rằng, cũng giống như những thứ khác, cần phải có sự lặp đi lặp lại.

7. Màu sắc

Màu sắc là một điều rất quan trọng, rất cơ bản, vì thế nên dạy trẻ về chúng càng sớm càng tốt. Việc dạy những màu sắc cơ bản đầu tiên như trắng, đen, đỏ, xanh lá cây, xanh da trời, và vàng là rất quan trọng. Tương tự như trên, cần phải có sự lặp đi lặp lại. Các bậc phụ huynh có thể chơi trò chơi với màu sắc, chẳng hạn như : “Đặt tất cả các khối màu vàng vào hộp màu xanh lá cây.”

Viết bởi tiến sĩ Jan Strydom và Benetta Strydom. Dịch bởi medshop.vn.

Leave a Reply