Chọn tên cho con trai: Lê Tùng Lâm

Ngày ăn hỏi của bố mẹ, ban ngày thì mưa bay lất phất, nhè nhẹ còn buổi tối thì se se lạnh, đường đi lối lại khô ráo, sạch sẽ và vô cùng yên bình bởi mọi người đều ở trong nhà theo dõi trận chung kết bóng đá cup AFF 2008 giữa Việt Nam và Thái Lan. Đường phố vắng vẻ như những ngày Tết đầu năm mới…như gợi về một Hà Nội xưa trầm mặc, cổ kính. Đèn đường mang lại những vùng sáng ấm áp, mờ ảo quanh những tán lá cây. Một ngày đẹp như chưa bao giờ đẹp hơn thế, lãng mạn và yên bình hơn thế!

Ngày cưới của bố mẹ rơi vào tháng cuối năm, trời đã vào đông, gió mùa đông bắc ùa về, lành lạnh lành lạnh… nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như những cơn gió đầu mùa…

Ngày tháng trôi đi… nhanh, bao điều mới mẻ, lạ lẫm… Và con đến với bố mẹ bất ngờ như một món quà của trời đất…sau chuyến đi chơi nhân ngày quốc lễ 10/3. Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa con sẽ chào đời… và mẹ đã sử dụng hết những kiến thức Hán học mà mẹ có để chọn cho con trai yêu của mẹ một cái tên… một cái tên có gì đó gắn bó với kỷ niệm chuyến đi trăng mật của bố mẹ, một cái tên chứa đựng được những mong muốn tốt đẹp nhất về năng lực, cá tính và phẩm chất mà mẹ muốn con trai của mẹ sẽ có được do Thiên định cũng như do rèn luyện mà nên: những phẩm chất của một người quân tử, một bậc đại trượng phu đúng nghĩa, một cái tên hướng tới CHÂN – THIỆN – MỸ, một cái tên gắn với Đạo, một cái tên mà có ngũ cách tốt đẹp, hứa hẹn sẽ sát cánh bên con, gắn bó với con suốt cuộc đời. Và cho đến hôm nay mẹ tin mình đã chọn được và chọn đúng: LÊ TÙNG LÂM.

Tùng Lâm có nghĩa là rừng Tùng, rừng thông. Lục tìm lại trong những vần thơ cổ, con sẽ thấy được ý nghĩa và những hàm ý sâu xa, cao đẹp của hình tượng cây Tùng. Mẹ xin chép lại đây đôi dòng tản mạn về loài cây ấy!

Tản mạn về Tùng
Bình thường những cây thông hòa trong mầu xanh của muôn vàn cây lá, chỉ nhận cho riêng mình cái dáng kim tự tháp và tiếng reo vui với mây trời. Song qua thu, các loài cây đều vàng rực và nhẹ nhàng trút lá.

Khi những cơn gió mùa đông bắc tràn về, vạn vật như thu mình lại tránh cái giá buốt. Cây bàng đầu ngõ còn ngưng lại vài chiếc lá đỏ rực như cánh thiếp báo tin đông. Trên những cành xù xì trụi lá hững hờ đôi mành tơ nhện đọng giọt sương băng như chuỗi vòng ngọc quý giá chưa tìm được chủ. Những cây thông vẫn xanh biếc ngạo nghệ thách thức gió sương. Tôi chợt nhớ một câu thơ của cổ nhân:

Tuế bất hàn vô dĩ tri tùng bách
Sự bất nan vô dĩ tri quân tử
(Tuân Tử)

Trong năm nếu không có mùa đông lạnh lẽo thì làm sao biết được đó là cây tùng cây bách. Nếu sự việc không khó khăn thì lấy gì để biết được đó là người quân tử).

Quả là thế! Trong quan niệm của người xưa tùng là cây bất tử, xanh tốt quanh năm. Dù sống trên đất cằn sỏi đá, dù thiên nhiên muôn vàn khắc nghiệt, cây tùng vẫn ngày đêm xanh cả bốn mùa. Bởi vậy, tùng đứng đầu trong tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) là vua của các loài cây:

Tùng dài mười trượng cao lồng lộng.
Trăm loài cỏ cây cao hùng dũng
(Tùng-Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Tùng vượt lên trăm ngàn cỏ cây không chỉ bằng dáng trực oai phong bốn mùa tươi tốt, mà càng khô cằn sỏi đá giá rét trông càng xanh tốt uy nghi.

Qua mấy trăm thu thuở bão bùng
Tiết cứng chẳng kinh sương tuyết bén
(Tùng thụ-Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)

Nhờ có những bản chất tốt đẹp tùng đã trỏ thành hình tượng nghệ thuật nhằm khẳng định những phẩm chất cao đẹp của con người. Đó là ý chí rèn luyện qua những thủ thách gay go khốc liệt để có được phẩm cách kiên cường cứng cỏi trong cuộc sống, trong sự nghiệp cao cả giúp đời, vì nước, tùng tượng trưng cho cốt cách của bậc đại trượng phu:

Đống lương tài có bằng mấy mày
Nhà cả đòi phên chống khỏe thay
(Tùng – Nguyễn Trãi)

Minh đường kiểu mẫu vừa mới thay
Cột rường tả hữu nhờ nâng chống.
(Tùng – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Câu thơ đầu chỉ miêu tả ngôi nhà vững trãi nhờ có tùng làm cột, rường nâng chống mà ta như thấy được cái oai phong, dũng lược của bậc anh hùng hào kiệt hai tay gánh vác sơn hà. Chẳng thế mà Tần Thủy Hoàng đã từng phong cho tùng chức “Ngũ đại phu” và thi nhân của mọi thời đại đều dùng tùng làm thi liệu, mượn hình ảnh của tùng để nói lên cái chí, cái cốt cách của bậc NHÂN-TRÍ-DŨNG. Đặc biệt tùng có những phẩm chất quý giá không loài nào có được, đó là sự hóa thân thành hổ phách, phục linh. Hổ phách là một loại khoáng vật do nhựa thông nằm trong lòng đất hàng nghàn năm hóa thành, được dùng làm đồ trang sức rất đẹp và vô cùng quý hiếm. Phục linh là một loại nấm sinh trên rễ tùng, thành khối, loại có rễ thông xuyên qua gọi là phục thần vô cùng quý giá, phải trải qua hàng trăm năm mới có.

Có thuốc trường sinh càng khỏe thay
Hổ phách, phục linh nhìn mới biết
(Tùng – Nguyến Trãi)

Đem chữa bệnh nước cùng bệnh dân
Thần linh hổ phách, thuốc chất đống
(Tùng – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Hổ phách và phục linh là thứ thuốc quý cứu giúp sinh linh, con người tài đức cho nước nhà.

Tùng cùng trúc, mai đã trở thành ba người bạn của mùa đông. Nếu như mai mang tính nũ thì tùng, trúc mang tính nam, nam quân tử. Tùng là biểu tượng của mùa đông trên bộ tứ bình, là bon sai của người Nhật…

Thậm chí nếu có kiếp sau người ta cũng ao ước:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
(Cây thông – Nguyễn Công Trứ)

Ngưòi xưa vẽ và treo tùng trong cảnh sơn thủy hữu tình, hạc mây lảng vảng như muốn thể hiện khát vọng không ngừng của con người mong muốn vươn tới cái đích của CHÂN-THIỆN-MỸ.

Trong tâm linh người Á Đông, tùng là cầu nối con người với thần linh, Khổng Tử cho rằng trồng tùng bên các đền chùa rất linh thiêng.

Với những người theo đạo Thiên chúa, tùng có vị trí đặc biệt, được dùng trong trang trí trong đêm No- en như một cây vũ trụ, nối liền trời đất, mang những ước mơ khát vọng của con người trong ngày lễ trọng…

Có thể nói, không có một loài cây nào trên thế giới lại được coi trọng, tôn vinh như vậy và là đề tài vô tận cho thơ, ca, nhạc, họa. Gạt sang bên những cái có màu sắc tôn giáo, tâm linh, ta thấy hiện lên hình ảnh tùng là biểu tượng hoàn chỉnh và cao đẹp của người quân tử. Vì vậy người ta thường đặt tên con là Tùng, Bách (bách cùng họ với tùng, xưa được trồng trong dinh quan ngự sử) để gửi những hoài bão vào hậu thế. Tùng mãi xanh tươi cho xuân hạ thu đông và trong lòng người, cho đời thêm hương sắc.

Trần Vân Hạc:

Thật vậy đấy, Tùng Lâm – hình ảnh của rừng thông thật gần gũi và gắn liền với chuyến trăng mật của bố mẹ. Biển Cửa Đại – Hội An vào đông, khách du lịch vắng lắm, vì mấy ai ra biển vào mùa đông… Thế mà bố và mẹ chơi đùa thoả thích trên bãi cát vắng, chụp ảnh, cười thật tươi trong cái bầu không khí yên tĩnh, tiếng sóng biển vỗ rì rào và ngồi uống nước dừa dưới tán lá rừng thông. Thông hay được trồng ven biển, vẫn xanh mướt trong cát trắng mà không cần nhiều dưỡng chất, không cần nhiều công chăm sóc để giữ cát, để kiên cường che chắn, bảo vệ cho những người dân biển hiền lành, chất phác trước những cơn sóng, những con bão cát.

Và bố mẹ đến tổ đình Từ Hiếu – cổ kính, u tịch, uy nghiêm, náu mình dưới những tán thông… Đi chầm chậm để vãn cảnh chùa, tai mẹ còn nghe tiếng suối chảy róc rách róc rách như gợi về một cõi mộng trong thực tại.

Ở Huế có rất nhiều thông, thông được trồng trong các Lăng vua, rồi rừng thông xanh mướt nơi Đàn Nam Giao, rừng thông bao la nơi đền thờ công chúa Ngọc Hân… Tất cả những nơi ấy bố mẹ đều bước chân đến, đi lang thang trong rừng thông, nằm dài trên cỏ và mỉm cười dưới ánh nắng mùa đông ấm và lung linh kỳ diệu. Mỗi cơn gió thổi qua, lá thông va vào nhau thành tiếng rì rào, xì xào như một bản nhạc tuyệt vời của tự nhiên, hay như tiếng thì thầm của đất trời… mẹ cảm giác rừng thông là cầu nối giữa trời và đất… Hình ảnh rừng thông – một hình ảnh thực tế và cả hình ảnh của tâm linh sẽ mãi mãi còn đọng lại trong tâm trí mẹ – một hình ảnh ngọt ngào!

Còn theo môn danh tính học của Trung Quốc thì Lê Tùng Lâm cũng có 5 cách thật tốt đẹp:

  • 1. Thiên Cách: 16 nét =Số của n gười có quý nhân phù trợ = may mắn, tiền vận, tha vận động, làm quan, giàu có, đào hoa, tính ôn hòa, hiền lành, thừa kế gia sản, đại cát (hạnh phúc, giàu sang), đức hạnh, có tài lãnh đạo, trí dũng song toàn, nhân cách gồm đủ.
  • 2. Nhân cách (Chủ vận): 23 nét = Số của vận thịnh vượng (Cơ nghiệp: Lãnh tụ, văn xương, học sĩ, ám lộc, Gia đình: Nam viên mãn, Sức khỏe: Nam mạnh khỏe) => Hàm ý: Số biểu thị vận hưng thịnh, uy thế ngất trời. Xuất thân nghèo hèn, từ từ tiến lên, kết quả lừng lẫy, uy quyền thịnh vượng, công danh hiển đạt, chí nghiệp lớn có thể thành, nhưng bình thời khí huyết cương mãnh, lâm sự chỉ e quá độ mà ân hận.
  • 3. Địa cách (Tiền vận): 16 nét =Số của n gười có quý nhân phù trợ = may mắn, tiền vận, tha vận động, làm quan, giàu có, đào hoa, tính ôn hòa, hiền lành, thừa kế gia sản, đại cát (hạnh phúc, giàu sang), đức hạnh, có tài lãnh đạo, trí dũng song toàn, nhân cách gồm đủ (Cơ nghiệp: Quý nhân, hào kiệt, Gia đình: đầm ấm, vui vẻ, đàn ông có vợ hiền,  Gặp họa thành phúc, người hào hiệp, đa mưu túc trí, có tài hòa giải, thành công lớn, phú quý song toàn).
  • 4. Ngoại cách (Phụ trợ 8 nét = Số của người ý chí kiên cường, nỗ lực phấn đấu (Nghề nghiệp: Mỹ thuật, học giả, thày giáo, bác sỹ; Gia đình: Gia cảnh trước khó khăn, sau thuận lợi) => Hàm ý: ý chí sắt đá, có chí tiến thủ, vượt mọi gian nan đi đến mục đích, nhẫn nại khắc kỷ, danh thực song toàn.
  • 5. Tổng cách (Hậu vận): 31 nét = Số của người trí dũng song toàn (Cơ nghiệp: Thái cực, tướng tinh, học sỹ, văn tinh; Gia đình: Hạnh phúc, đông con) => Hàm ý: Trí dũng kiêm toàn, ý chí kiên cường, lập nên nghiệp lớn, vinh hoa phú quý

Dự đoán năng lực xã giao và Phối hợp lành dữ của Tam Tài: 1. Háo hư danh, hay thay đổi, lãnh đạm, dễ bị kích động. Trung bình 2. Rất dễ thành công lớn, nền tảng vững chắc, sức khỏe tốt, có thể sống lâu, hạnh phúc.

0 thoughts on “Chọn tên cho con trai: Lê Tùng Lâm

  • từ bé đến giờ không nghĩ tên mình cũng hay vậy. Nhưng cuộc đời sắp đến hoàng hôn rồi đã có gì đâu.
    Bạn tưởng tượng hơi quá !
    Dù sao cũng chúc ai đó có họ tên hoàn toàn giống tôi.

Leave a Reply